Tuyến đường của sự đồng thuận “ý Đảng - lòng dân” ở ấp Lương Thuận đạt chuẩn nông thôn mới.
Lương Quới (Giồng Trôm) là một trong 7 đơn vị xã vừa nhận Bằng khen của UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường, thị trấn năm 2013.
Những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện QCDC của Lương Quới có ý nghĩa thiết thực trong góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bà Đỗ Thị Út - Trưởng Khối vận, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC xã Lương Quới, cho biết, kết quả đạt được trong việc thực hiện tốt QCDC của xã là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể. Ngay từ đầu năm 2013, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC xã tiếp tục được củng cố, kiện toàn, có 15 đồng chí, do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban; đồng thời, tiến hành bổ sung quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Khối vận với vai trò chủ đạo, đã tích cực tham mưu giúp Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công các đoàn thể tham gia ở từng nội dung, phần việc cụ thể và đôn đốc thực hiện.
Để phát huy quyền làm chủ của người dân trong tham gia đóng góp, xây dựng các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thì việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến người dân là việc làm quan trọng. Đặc biệt là Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về quyền và trách nhiệm của mình. Trong năm 2013, việc tổ chức học tập nội dung Pháp lệnh số 34 trên địa bàn xã đã thực hiện được 152 cuộc, có 3.712 lượt người dự. Bên cạnh đó, người dân được tạo điều kiện để tham gia bàn thảo, có ý kiến, giám sát và đóng góp cho các vấn đề quan trọng, các phần việc, công trình trên địa bàn. Cụ thể, trong năm 2013, MTTQ và các đoàn thể chính trị, hội quần chúng tổ chức 15 cuộc hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho các chức danh Chủ tịch HĐND, UBND, cán bộ địa chính, công tác bầu cử trưởng ấp, có 925 lượt người dự; phối hợp với HĐND tổ chức 27 cuộc tiếp xúc cử tri ở các ấp, với 2.154 lượt cử tri tham dự, ghi nhận 76 ý kiến đóng góp của cử tri ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh trật tự.
Kết quả của việc thực hiện QCDC ở cơ sở thể hiện ngay trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo dân chủ hơn của cấp ủy, việc công khai các thủ tục hành chính của chính quyền; Mặt trận và các đoàn thể từng bước đổi mới phương thức hoạt động với phương châm “gần dân, hiểu dân, sát dân” - bà Đỗ Thị Út đánh giá. Công tác vận động quần chúng đã thật sự đi vào chiều sâu và được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Cụ thể, qua vận động các hộ tiểu thương di dời nơi buôn bán sang chợ mới; vận động giải phóng mặt bằng công trình chợ, lộ Thủ Ngữ, đã nhận được sự đồng tình cao.
Thực hiện tốt QCDC ở Lương Quới đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí, cải thiện đời sống nhân dân. Nổi bật nhất là việc người dân đồng thuận với chủ trương chung về xây dựng nông thôn mới, thực hiện chương trình giảm nghèo. Thông qua hình thức tọa đàm, nhân dân bàn bạc và cùng góp sức người, sức của tham gia mở rộng, xây dựng giao thông nông thôn; xây dựng hình thức tổ chức sản xuất; bảo vệ môi trường… Bà Trần Thị Út Tươi - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, thành viên Tổ giúp việc BCĐ thực hiện QCDC xã Lương Quới, cho biết: Đến cuối năm 2013, qua bình nghị, số hộ nghèo của toàn xã giảm từ 113 hộ (năm 2012) xuống còn 90 hộ, bằng 6,44% so với tổng số hộ; xã đạt 11 tiêu chí xã nông thôn mới. Việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng thiết yếu đã thực hiện đạt tổng vốn đầu tư xây dựng là 2,88 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1 tỷ đồng. Về xây dựng giao thông nông thôn, đến nay, xã đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 2,59km đường bê-tông đạt chuẩn nông thôn mới, kinh phí trên 2,6 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 100% vốn xây dựng 6 cầu bê-tông (90m dài), kinh phí 200 triệu đồng.
Bà Đỗ Thị Út cho biết thêm, giữa thực hiện QCDC và vận động xây dựng mô hình dân vận khéo có mối liên hệ hữu cơ, gắn kết nhau. Thực tế trên địa bàn, việc xây dựng những mô hình dân vận khéo ở các Ban vận động ấp, hội, đoàn thể đã góp phần tạo điều kiện phát huy dân chủ, làm tăng niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước qua những công trình, phần việc cụ thể. Chính vì thế, trong năm 2014, việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tiếp tục được tăng cường song song với việc đăng ký thực hiện các mô hình dân vận khéo, như: xây dựng tuyến đường văn minh, xanh, sạch, đẹp; vận động nhân dân giữ vệ sinh môi trường; xây dựng cổng rào an ninh; xây dựng tổ liên kết trong chăn nuôi; xây dựng địa bàn không có tội phạm…
Có thể nói, việc thực hiện tốt QCDC trên các lĩnh vực ở Lương Quới trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; tạo điều kiện cho các tổ chức và công dân tham gia giải quyết các mối quan hệ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nguồn: Báo Đồng Khởi