Site banner
Thứ bảy, 10. Tháng 5 2025 - 14:34

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

AMD đầu tư mô hình xây dựng xưởng sơ chế dừa trái

Công nhân sơ chế dừa trái.

Với mong muốn tận dụng tối đa nguồn lao động và nguyên liệu tại địa phương để đưa vào sản xuất, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới đã tiến hành xây dựng phân xưởng sơ chế dừa trái, ở ấp Lộc Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, với công suất mỗi ngày khoảng 6.000 - 8.000kg cơm dừa sạch. Đây là mô hình có sự tham gia của Dự án AMD Bến Tre. 

Tổng vốn đầu tư trên 983 triệu đồng, trong đó vốn dự án trên 474 triệu đồng, vốn đối ứng của công ty trên 508,9 triệu đồng, khoảng 400 - 1.400 nông hộ tham gia cung ứng nguyên liệu, lợi nhận bình quân trên 52,6 triệu đồng/ha. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2016-2020).

Hiện công ty có 2 nhà máy sản xuất, mỗi tháng thu mua khoảng 200 - 500 ngàn trái dừa và 1.200 - 2.500 tấn cơm dừa sạch phục vụ sản xuất. Sản lượng cung cấp mỗi năm khoảng 34 ngàn tấn thành phẩm các loại. Công ty phấn đấu đến năm 2020 nằm trong tốp 50 công ty chế biến sản phẩm từ dừa lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương và đứng đầu ngành công nghiệp chế biến dừa Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, công ty đề ra nhiều giải pháp chiến lược, trong đó có việc tập trung đầu tư mở rộng thêm nhà xưởng, kho bãi. Vì vậy, việc xây dựng xưởng sơ chế tại An Định sẽ là điểm tập kết dừa trái khá thuận lợi cho công ty (dự kiến thu mua 15.000 - 20.000 trái dừa/ngày). Với năng lực sản xuất hiện tại, xưởng có thể giải quyết lượng nguyên liệu tại địa phương mà khách hàng có khả năng cung cấp khoảng 500 - 600 ngàn trái/tháng. Từ đó sẽ hạn chế tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản và lượng cơm dừa sạch thu được sẽ giữ được chất lượng cao nhất. Doanh nghiệp cũng có điều kiện hợp tác thêm với nhiều khách hàng thu mua mới, mở rộng diện tích trồng dừa hữu cơ tại địa phương. Trước mắt giải quyết cho 76 lao động nghèo có việc làm, thu nhập bình quân khoảng 150 - 200 ngàn đồng/người/ngày.

Công ty dự kiến sẽ mở rộng thu mua ở các diện tích còn lại trên địa bàn xã và mở rộng thêm một số xã có diện tích trồng dừa lớn như Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam), Phong Nẫm, Châu Bình, Châu Hòa (Giồng Trôm). Hiện có khoảng 700 nông hộ bán dừa trái cho công ty, trong đó Giồng Trôm 300 nông hộ, diện tích sản xuất trung bình mỗi hộ khoảng 0,3ha, sản lượng bình quân đạt 800 - 1.200 trái/ha; Mỏ Cày Nam 400 nông hộ, diện tích sản xuất trung bình mỗi hộ 0,5ha, sản lượng bình quân đạt 800 - 1.400 trái/ha. Hiện mỗi hộ trồng dừa của công ty được quản lý bằng một mã số và được ký hợp đồng thu mua. Công ty ký hợp đồng trực tiếp với nông dân với điều kiện đảm bảo mức giá theo yêu cầu của công ty nhưng không thấp hơn giá thị trường. Hợp đồng có thời hạn 1 năm, chất lượng dừa của mỗi khách hàng thu mua khác nhau sẽ được định giá khác nhau nhưng vẫn được công ty đảm bảo ở mức giá sàn.

Dự kiến, mỗi năm, công ty đều có tăng thêm diện tích thu mua. Trong đó, năm 2016, diện tích triển khai 350ha, diện tích tăng thêm 100ha, số hộ tăng thêm 200 hộ, sản lượng 3 triệu trái/năm. Năm 2020, diện tích triển khai 770ha, diện tích tăng thêm 520ha, số hộ tăng thêm 1.040 hộ, sản lượng trên 11 triệu trái/năm.

Dự án có mức đầu tư thấp nhưng hiệu quả khá cao. Khi tham gia dự án, giá thu mua dừa cao hơn 15 ngàn đồng/chục so với khi chưa tham gia dự án. Giá trị gia tăng đạt được ở 2 mô hình có sự chênh lệch lớn, trên 28% khi có đầu tư. Đối với nông hộ trồng dừa, trên 1ha diện tích dừa lợi nhuận tăng thêm trên 20%, từ 40 triệu đồng/ha lên 52 triệu đồng/ha. Đặc biệt, dự án góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khá ổn định.

Nguồn: Báo Đồng Khởi